Miền Trung Tục thờ hổ ở Việt Nam theo tỉnh thành

Thanh Hóa

Người dân Thanh Hóa (người địa phương và người Mường) đặc biệt sợ hãi hổ xám và tôn thờ chúng là Thần Hổ xám vì chúng được coi là đã thành tinh và hay ăn thịt người, biến con người thành ma trành

Thanh Hóa nổi tiếng là vùng đất rộng, hoang sơ miền sơn cước, là chốn cư ngụ của loài hổ. Hổ ở đây được cho là hung dữ và thường xâm nhập các bản mường để đe dọa cuộc sống của người dân và bắt gia súc. Do đó hổ được coi là chúa sơn lâm, chúa của miền sơn cước, rừng núi, được thờ phượng như một ác thú, hung thần để cầu mong sự bình yên, để không bị trả thù, đặc biệt ở vùng này, người ta sợ hãi và thờ cúng loài hổ xám, gọi là "Thần hổ xám khổng lồ", thêu dệt cho nó nhiều quyền năng huyền bí. Những truyền thuyết này đặc biệt đậm nét ở vùng Thạch Thành.

Từ nhiều năm trước, những bản làng người Mường ở miền tây Thanh Hóa, kéo dài từ vùng Thạch Thành lên đến Quan Hóa, Mường Lát còn cúng Ông Hổ, người địa phương và người Mường còn lưu truyền câu chuyện Thần hổ xám ăn thịt người là một huyền thoại về oai linh thần hổ ở vùng vùng Thạch Thành[7] Người dân Mường ở Thạch Thành và người dân còn lập miếu thờ một con hổ gọi là Thần hổ xám khổng lồ hung dữ, thành tinh chuyên ăn thịt người, người dân còn đồn rằng, năm nào không cúng hổ thần, mùa màng sẽ thất bát, lúa trồng chẳng thành hạt, cây cối chẳng chịu trổ hoa[8].

Ở xã miền núi Thành Yên, huyện Thạch Thành có ngôi cổ miếu linh thiêng bên dòng suối Vó Ấm thu hút đông đảo mọi người đến lễ cầu may. Nơi đây đang lưu giữ truyền thuyết ly kỳ về bầy hổ hung dữ một thời uy chấn cả vùng núi rừng Cúc Phương. Giai thoại về hổ cũng chính là nỗi khiếp sợ truyền kiếp ở vùng đất này. Từ xa xưa, "Thần hổ" ăn thịt quá nhiều người trong vùng nên người dân đã lập miếu thờ bên dòng suối Vó Ấm, từ đó gọi là miếu Vó Ấm. Vào những ngày rằm, mùng một rất nhiều người dân trong vùng thường đến thắp hương, cúng lễ để cầu bình an và nhiều câu chuyện hoang đường làm ngôi miếu nhỏ càng trở nên huyền bí và linh thiêng trong tâm trí người dân Thành Yên[9]. Hổ dữ còn được người dân thờ như thần linh ở đỉnh đèo Tam Điệp trong một ngôi miếu thờ hổ[10].

Nghệ An

Sự tích thờ thần hổ còn lưu truyền nhiều ở vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh, bối cảnh từ thời An Dương Vương, vùng Nghệ An có nhiều hổ dữ, chúng thường bắt người ăn thịt. Có một ông lão nhà nghèo một lần cứu được một con hổ xám khi nó định vồ bắt ông trên bè nước và giao ước với hổ: "Nhà ngươi dòng dõi trên thượng giới, xuống hạ giới sinh sống sao nỡ bắt con người để ăn thịt? Ta đã già yếu, xin hiến thân cho ông và xin từ nay trở đi ông đừng giết hại con người nữa". Hổ cảm tạ nhưng rồi hổ xám vẫn thường lui tới ven đường, nơi có người qua lại để bắt ăn thịt.

Một hôm hổ xám vồ trúng ông lão, khi kéo xác lên bờ, nó mới nhận ra ân nhân của mình. Hổ hối hận, kêu gào ầm ĩ cả khu rừng. Đêm đêm, con hổ xám về chầu trước mộ ông, kêu la thảm thiết và cuối cùng gục chết, hóa thành hòn đá bên mộ. Từ đó, các loài muông thú không đến phá hoại và dân làng làm ăn trúng mùa liên tiếp. Hổ xám được dân làng thờ cúng và tôn là ông hổ, thần hổ, ông ba mươi. Những con hổ đá đặt ở đền chùa, miếu mộ tại vùng này đều nằm trong thế quỳ, miệng há rộng là nhắc lại sự tích trên)[11].

Hà Tĩnh

Hà Tĩnh, tại chùa Hương Tích có tượng thần hổ đặt ở trên đường đi lên chính điện để người dân thờ cúng, người đi lễ thường tập trung ở khu vực đặt tượng thần hổ để cầu an. Nhiều người tin rằng, chỉ cần thắp hương khấn vái, dùng dầu gió đổ lên thân tượng hổ, dùng tay xoa tượng rồi xoa lên bộ phận tương tự ở người thì bệnh sẽ tiêu tan, nhiều Phật tử sau khi sờ tượng hổ thần rồi xoa bóp vào thân thể của mình đã cảm thấy nhẹ nhõm, thoải mái hơn[12]. Tượng hổ thần được đặt ở phía bên phải, theo hướng đi lên khu vực Chính điện chùa Hương Tích, tượng hổ đặt ở hướng đi lên khu vực chính điện chùa Hương Tích, Hổ thần được làm bằng bê tông, sơn màu vàng, ở tư thế đang nằm nghỉ ngơi[13].

Bức bình phong họa hổ tại Đền Võ Miếu 2, Tân Giang, Hà Tĩnh

Tương truyền khi xưa hổ thần linh thiêng đã che chở cho Công chúa Diệu Thiện tới núi Hồng Lĩnh dựng am, tu hành[12]. Thần Hổ gắn với sự tích công chúa ba Diệu Thiện chạy trốn. Phật Tổ lại sai Bạch Hổ đưa nàng trốn sang đất Việt Thường thị. Đến vùng núi Ngàn Hống, Thần Hổ cõng công chúa đến con suối có tên là Hương Tuyền. Sau đó, Thần Hổ lại đưa Diệu Thiện lên động cao Đá Đôi để ẩn thân nhưng vẫn không được yên. Cuối cùng, Thần Hổ lang đưa xuống động Hương Tích và ở trong một hang đá và đó chính là Hương Tích[14].

Cũng từ xa xưa truyền lại hổ thần chữa được bách bệnh, nên khi tìm tới đây người dân đều mong muốn tìm đến tượng hổ. Dân gian cho rằng, hổ cõng công chúa Diệu Thiện chính là hổ thần, nếu bị đau xương khớp về chùa Hương Tích khấn vái Thần Hổ, cầu xin ngài, lấy tay vuốt ve ngài rồi xoa vào chỗ đau mỏi thì tự nhiên sẽ khỏi. Hổ là loài ăn thịt người nhưng con hổ này lại có công dẫn đường cho công chúa nên người đời truyền rằng, đây là do Phật hóa thân vì Phật không dùng hình hài thật của mình mà thường biến hình để phổ độ chúng sinh, do đó, ngài hổ được lập tượng thờ. Khách đến đây thường xin phúc bằng cách đổ dầu xoa khắp mình hổ rồi lại xoa lên mình vì mọi người quan niệm hổ tượng trưng cho sức mạnh nên có thể chữa bách bệnh[14].

Lễ bằng hương vàng giấy áo và vật không năm nào thiếu là dầu gió. Trước tượng hổ có một chiếc bàn đá để người dân dâng lễ, thắp hương. Phần lễ ngoài bánh kẹo, hương hoa thì dầu gió là thứ không thể thiếu. Đầu năm, chùa khai hội, người dân sau khi lên chùa thắp hương, người dân chen chúc nhau dùng dầu gió tưới, bôi lên tượng thần hổ rồi thoa lên người mình với mong muốn chữa bệnh. Khách hành hương dùng tay thoa lên các vị trí trên tượng rồi vuốt, bôi vào những vị trí mong muốn chữa bệnh. Việc người dân sờ lên hổ để chữa bệnh đã tồn tại nhiều năm qua. Chưa có cơ sở khoa học khẳng định việc sờ tượng hổ ở chùa Hương Tích có thể chữa bệnh, việc người dân cho rằng sờ tượng hổ, bôi dầu lên người có thể chữa bệnh chỉ là do người dân truyền tai nhau.

Việc việc du khách sờ "hổ thần" đã diễn ra nhiều năm nay đã làm phần đầu tới đuôi của tượng hổ bị bong mất phần lớp sơn ngoài. Nhiều du khách sau khi thắp hương đều sờ vào tượng thần hổ để cầu mong hết bệnh tật, việc này khiến phần lưng, đầu và chân của tượng thần hổ bị bóc lớp sơn bên ngoài. Việc khấn vái trước tượng thần hổ mong chữa bệnh là vấn đề tâm linh, tuy nhiên việc dùng tay thoa vào tượng dẫn đến hư hại hiện vật là việc không nên làm[15]. Trước kia cũng có biển nghiêm cấm du khách nhưng sau đó do số lượng du khách quá đông nên biển cấm cũng vô hiệu[13].

Huế

Con hổ trong tranh làng Sình phổ biến ở Huế với mục đích cúng lễ, ở đây tranh hổ thuộc đề tài tranh súc vật (gia súc, voi, cọp và tranh 12 con giáp) để đốt cho người chết, tranh này sẽ được đốt sau khi cúng xong

Tại Huế, nhiều di tích đã đi vào huyền thoại với hình ảnh con hổ, nay các dấu vết về hổ sót lại không nhiều, chủ yếu tại các di tích xưa. Hổ đôi khi được tôn thờ như một vị thần vì có sức mạnh giúp đỡ mọi người hay đi đôi với rồng trong môtip trang trí thời phong kiến nhưng có lúc hổ đã bị xem như một loài cầm thú ác độc, bị đem ra đấu trường đánh nhau với voi, cũng có lúc hổ được đặt tên cho một vùng đất như Am Truôm hay Cầu Bạch Hổ[16].

Tại Huế có miếu ông Cọp sát Quốc lộ 1-Phú Bài, miếu này được dân địa phương dựng lên để cầu các ông cọp "đừng ra bắt người qua đường". Vào ngày 23 tháng Chạp, ngày tất niên, ngày đầu năm mới là 3 dịp người dân ở đây cúng bái thịnh soạn cho "Ngài" cọp. Tuy nhiên vẫn có hàng trăm người bị cọp vồ. Đồ cúng chủ yếu cho người xấu số là các bộ áo quần lành lặn (màu xanh bày hai bên), đồ cúng đặc biệt cho "ông" cọp gồm thịt heo sống, gừng tươi và rượu trắng cùng nhiều món ăn khác. Bên cạnh đó, có rất nhiều miếu thờ nằm ở doi đất sát sông Hương thờ hổ đã chết trong các trận chiến với voi ngày xưa[16].

Ở Huế, "Cậu" Hổ hay ông Hạ Ban được các thần dân Thiên Tiên Thánh giáo thờ cúng nhiệt thành ở điện Hòn Chén. Ở Điện Hòn Chén có bố trí động thờ ông Hạ Ban (tức ông Hổ hay con cọp), trong khi ở Hổ Quyền bên kia sông Hương, con cọp phải đưa ra đấu trường để bị tiêu diệt, thì ở điện Hòn Chén bên này sông, con cọp lại được thờ cúng kính cẩn như một vị thần linh. Một sự khác nhau rất lớn khiến cho con cọp bên trong đền được nâng lên là một vị thần tương tự con " Bạch Hổ" của miền Nam mà người người tôn thờ, còn những con ngoài đền là đối tượng bị tiêu diệt.

Đà Nẵng

Tranh thờ Ngũ Hổ trong Miếu Bà tại Linh Phong Thiền tự Bà NàTượng hổ ở chùa Linh Ứng trên bán đảo Sơn Trà ở Đà Nẵng

Đà Nẵng cũng có nhiều nơi thờ "ông cọp", mà mỗi địa điểm gắn với một câu chuyện li kì. Chẳng hạn như việc như miếu ông Hổ ở thôn Trường Định (xã Hòa Liên, Hòa Vang) nơi từng có hàng ngàn người đã kéo về để xin nước chữa bệnh ở miếu ông Hổ. Một số vùng ven khác ở Đà Nẵng cũng có nhiều câu chuyện liên quan đến tục thờ thần hổ như Dinh Ông ở làng Phong Bắc thuộc phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ, hay miếu Long Vân dưới chân đèo Hải Vân. Những câu chuyện về cọp dữ và tục thờ "ông ba mươi" ly kỳ ở vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng xưa luôn gợi nhắc về một thời tiền nhân mang gươm đi mở cõi là thời khẩn hoang gian khó cần ghi nhớ và trân quý[17].

Về sự tích của miếu ông Hổ, chuyện kể, ngày trước, vì nằm dưới chân núi Hải Vân- Bà Nà nên vùng đất Trường Định cọp nhiều vô kể, ngày nào chúng cũng xuống làng để rình bắt gia súc và người. Trong làng xã truyền tụng câu "nhất cọp Bà Nà, nhì ma Phú Túc". "Người chết được dân làng chôn cất cẩn thận vẫn bị cọp đào lên ăn thịt vì vậy dân làng ai cũng khiếp sợ, buổi tối không dám rời khỏi nhà, đi làm ruộng phải đi nhóm 5 đến 6 người. Cho đến khi, Đức ông Trần triều tứ thánh về đây cư ngụ thì cọp mới không quấy phá nữa.

Ngoài miếu ông Hổ và phía trước là một miếu khác thờ sơn lâm đại tướng quân, với hình tượng con cọp oai vệ, người này, dùng phép thuật thuần phục hai con cọp hung dữ về làm tướng quân cho mình. Lúc ấy dân làng gọi luôn tên ông là ông Hổ. Sau khi ông chết, hai "ông cọp" vẫn nằm phục dưới tảng đá, sau đó cũng chết. Dân làng thương tiếc nên lập miếu thờ. Phía trước miếu có một ao nước ngọt nhỏ, nhiều người tin nước này có thể chữa bệnh nên hay đến làm lễ để xin nước từ miếu ông Hổ về uống. Tảng đá nơi ông Hổ tự vẫn còn đó như minh chứng cho một sự tích ly kỳ[17].

Ở đây còn có lời đồn trên đèo Hải Vân có ngôi miếu linh thiêng, cầu gì được nấyđã thu hút đông đảo mọi người đi lễ và du khách đến tham quan dừng chân thắp hương khấn vái cầu may. Nơi đây đang lưu giữ truyền thuyết li kì về bầy cọp một thời uy chấn Hải Vân Quan. Người dân làng Kim Liên (thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) đến nay vẫn còn truyền tai nhau nhiều câu chuyện về sự tích miếu thờ Sơn thần. Không rõ từ khi nào, trên đỉnh đèo thường xuất hiện bầy cọp dữ năm con chuyên vồ khách bộ hành ăn thịt, bầy hổ ngồi thè lưỡi chầu chực trên những tảng đá bên đường chờ đợi con mồi.

Người ta sợ đến nỗi nếu muốn qua đoạn đường này, khách bộ hành phải lập đoàn cùng đi. Bầy hổ những năm con liên kết rất chặt chẽ nên cũng chẳng có ai đủ dũng cảm đi diệt chúng. Vì vậy, người địa phương quyết định dựng miếu thờ hổ, dâng lễ vật cúng bái. Hàng ngày, dân làng, khách thập phương đều quyên góp lễ cúng một cách đầy đủ với mong muốn bầy hổ sẽ hiểu thành ý của họ mà không hại người nữa, từ đó không còn ai nhìn thấy bầy hổ ngồi chồm hổm bên đường rình mồi, thậm chí, chúng còn cứu giúp người[18].

Tại đèo Hải Vân còn lưu truyền câu chuyện về bầy hổ dữ trấn yểm Hải Vân Quan

Có truyền thuyết về cọp nuôi người, vào một năm nạn đói hoành hành, nhiều người dân vùng phía nam đèo Hải Vân chạy đói, có một bà mẹ cõng theo một đứa con nhỏ, do hoàn cảnh, người đàn bà đành bỏ lại đứa con trai trên một mỏm đá ven đường, đứa trẻ bị bỏ lại khóc ré lên, một con cọp cái nghe tiếng khóc thét liền men theo triền núi xuống chỗ đứa trẻ, con hổ không ăn thịt mà còn nuôi nó, cho nó bú, khi đứa trẻ đã lớn, con cọp cái còn cõng đứa trẻ trên lưng về tận ngôi làng nhỏ dưới chân đèo Hải Vân, để đứa trẻ lại đó cho dân làng, đi ba bốn bước nó còn ngoảnh lại nhìn lần nữa rùi mới phi thẳng vào rừng[18].

Tận đỉnh Hải Vân, ngôi miếu ông hổ nằm ở lưng chừng đèo được xây dựng khang trang, sạch đẹp, luôn nghi ngút khói hương, khu miếu này mới được trùng tu trở lại nhờ vào tiền cúng dường của khách thập phương. Được biết, nhờ những "truyền thuyết" truyền tai nhau của người dân trong vùng mà ngôi miếu trở nên thu hút khách du lịch bất thường. Ai đi ngang đây ai cũng muốn dừng chân để thắp hương, khấn vái[18].

Một câu chuyện khác cho biết ở xóm Kim Cư (tên gọi của làng Kim Liên cũ) còn là rừng núi, hỗn mang thú dữ. Trong đó, hổ dữ luôn là nổi ám ảnh lớn nhất của người dân trong làng, trong bóng tối mù, hổ đánh hơi thấy mùi thịt thường lẻn vào chuồng trâu, chuồng bò bắt tha về hang. Có khi còn mò vào tận nhà dân nhử chó ra để bắt ăn thịt. Có một vị quan Tổng đốc Đại thần đi sứ sang phương Bắc, đi ngang đây lâm trọng bệnh mà qua đời. Người dân làng lập miếu thờ ông. Ngôi miếu ban đầu chỉ là cái am nhỏ và một tấm bình phong bằng đá khắc hình hổ chồm. Vị trí ngôi miếu Ông chính xác là vị trí miếu ông Hổ ngày nay, trước mặt ngôi miếu có một hòn đá to. Ngày nay, người ta vẫn hay gọi đó là hòn đá Big Sound theo chữ khắc trên tảng đá thời chiến tranh[18][18].

Miếu ông nguyên bản có một tấm bình phong hổ che chắn phía trước. Dân làng đi ngang qua đều ghé miếu thắp cho ông Quan tổng đốc nén nhang cho bớt hiu quạnh, cứ thấy tấm bình phong hổ nên tưởng nhầm là thờ hổ, nên gọi là miếu Ông hổ, rồi mỗi người một ít dựng nên câu chuyện ngũ hổ trấn đèo. Ngày trước, khi khu rừng trên đèo Hải Vân còn um tùm, cây cối rậm rạp, muông thú nhiều, những tiều phu đốn củi và những ai có việc phải đi qua đèo thấy một cái am nhỏ đằng trước có một tấm bình phong hình con hổ mà không ai hương khói nên dọn dẹp lại thờ phụng[18].

Quảng Nam

Ở Quảng Nam, người dân vẫn dành cho hổ sự kính trọng

Vùng đất Quảng Nam xưa đầy khắc nghiệt của thiên nhiên và thú dữ. Trong đó cọp dữ là nỗi ám ảnh với nhiều người, đến nỗi phải gọi là "ông cọp" hoặc "ông ba mươi". Ở nhiều địa phương Quảng Nam-Đà Nẵng đến nay vẫn còn nhiều di tích miếu thờ "ông cọp", lúc bấy giờ dân làng nhiều khi tiêu diệt nhiều cọp dữ nhưng mọi người vẫn sợ và kiêng dè khi nói về "ông ba mươi". Việc tôn sùng cọp để lại dấu ấn khá rõ nét ở Quảng Nam. Những vùng đất ghi dấu tục thờ cọp như Tiên Cảnh, làng Mỹ Sơn, Đồng Lạc, Dúi Chiêng.

Xưa kia, người dân Tiên Cảnh có phong tục cúng thần rừng, vị thần họ tin rằng nắm giữ bổn mạng của cả vùng đất này. Đại diện cho thần rừng, không phải loài nào khác mà chính là hổ dữ - vị chúa sơn lâm đầy quyền uy. Mỗi lần cầu cúng như thế, dân làng đều mời những pháp sư đến lập đàn, phép tịch cọp. Thậm chí, vì ám ảnh bị hổ dữ giết hại, nhiều gia đình đã phải lũ lượt kéo nhau bỏ xứ ra đi[19]. Đến tận bây giờ, hằng năm người dân ở xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam vẫn giữ tục thờ cúng "ông cọp".

Trong số các mâm lễ, có một mâm lễ riêng, gồm thịt sống, rượuhoa quả, trong văn tế có câu "cầu cho hổ lang, can xà phù hộ cho dân lành bình an". Mỗi dịp lễ tết, lại dành riêng ra một mâm cỗ để cúng "các ông". Trong mâm cỗ ấy không thể thiếu thịt một con vật nuôi trong nhà, do người ta tin "chúa sơn lâm" nhận lễ rồi sẽ tha cho người làng đi rẫy hay lên rừng săn bắn, lượm củi.

Người dân Tiên Cảnh thờ cúng vì họ cho rằng cọp là "chúa sơn lâm" cai quản vùng rừng núi, ngự trị muôn loài nên hầu hết các đình, đền, phải có bàn thờ hoặc miếu thờ với bài vị trang trọng mang tên "Sơn quân chi thần", "Sơn quân mãnh hổ", "Sơn lâm chúa xứ" hay "Sơn lâm đại tướng quân", theo họ thì có thờ có thiêng, "ông cọp" sẽ phù trợ cho cuộc sống bình an của dân làng".

Nguồn gốc của việc thờ cúng của người dân Tiên Cảnh này bắt nguồn từ những câu chuyện dân gian kể về sự hoành hành và tác quái của loài hổ, xuất phát từ thực tế là vùng này nhiều hổ. Chuyện kể răng những năm đầu thế kỷ trước, vùng núi Tiên Cảnh còn hoang sơ, vào tối, sau những tàn cây rậm rạp, đôi mắt xanh biếc của "ông ba mươi" thoắt ẩn, thoắt hiện báo hiệu cuộc tìm mồi. Họ sợ khi nghe tiếng "ông ba mươi" gầm vang phía bìa rừng ông ba mươi đứng lừng lững giữa sân. Đôi mắt xanh biếc long lên sòng sọc, đàn chó nhà khép nép vì sợ hãi trong góc sân.

Nỗi sợ hãi ấy đã khiến người dân Tiên Cảnh tôn sùng loài ác thú này như thần thánh. Hổ không chỉ kiếm ăn trên rừng. Loài ác thú ấy còn về tận thôn làng, gây nên bao tai họa và cả nỗi khiếp đảm do những loài thú hiền lành như hươu, nai cũng thường xuyên mò về làng ăn cây cối hoa màu, điều khiến mọi người khiếp đảm, là bước chân của các loại thú ăn cỏ này lại vô tình dẫn đường cho hổ dữ đi theo tìm mồi. Hiện nay, khi loài hổ đã vắng bóng ở vùng núi Tiên Phước nhưng nhiều người vẫn tin rằng việc thờ cúng "ông ba mươi" rất quan trọng.

Làng Mỹ Sơn hiện nay thuộc thôn Bàn Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, nơi vẫn còn lưu truyền những câu chuyện kì bí về dải lụa trắng của bà Bô bô Phu nhân và chuyện ông Bạch Hổ Sơn quân oai linh oai dũng. Nơi gốc đa vẫn thường xuyên thờ cúng Bạch hổ Sơn quân, chuyện về ông Bạch hổ Sơn quân xuất hiện đầu thế kỉ 19. Nơi trong làng mà ông cọp trắng hay lui tới nhất là chỗ miếu Thổ, bên cạnh có một cây đa rất lớn. Truyền thuyết này ấn hiện đậm nét trong ký ức người dân vùng Mỹ Sơn này.

Truyền thuyết về Bạch hổ sơn quân ở làng Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam kể về một con hổ trắng đầy quyền năng và phá hoại dữ dội và người ta phải tôn thờ nó vì sợ hãi

Sự linh thiêng của ông Bạch hổ Sơn quân còn được gắn liền với cây đa mọc trên mái miếu Thổ. Ai muốn chặt cành nào là phải cầu cúng Bạch hổ Sơn quân cẩn thận, rồi xin phép người giữ miếu, các trưởng họ mới được chặt. Những câu chuyện xung quanh nơi cây đa ông cọp trắng có nhiều yếu tố hoang đường, kì ảo nhưng thể hiện vai trò quan trọng của những địa danh này trong đời sống tâm linh, văn hóa của người dân xã Duy Phú[20]. Câu chuyện này bắt nguồn về một ông cọp rất lớn toàn thân trắng bạch về làng quấy phá.

Đầu tiên nó bắt và cắn chết vợ một người đàn ông, sau đó ông cọp bắt rất nhiều trâu, bò, lợn, gà của người trong làng. Vì sợ ông cọp trắng làm hại, nên mọi người đã mời một ông thầy về cúng ngay chỗ miếu Thổ để trấn yểm. Ông cọp trắng được phong cho danh hiệu thể hiện sự kính trọng của người dân: Bạch hổ Sơn quân. Từ đó mỗi năm người trong làng đều tổ chức cúng ông cọp trắng, đặc biệt trong mâm lễ cúng nhất thiết phải có một cái đầu heo sống. Cứ năm nào ông cọp trắng về lấy đi cái đầu heo thì trong cả năm ông không quấy phá, người dân đi vào rừng vào núi săn bắt được nhiều mà không sợ bị các loài thú ăn thịt làm hại, còn năm nào không lấy đi cái đầu heo, không lấy chân chấm vào chén mực để lại dấu vết thì năm đó người dân bị các loài thú dữ quấy phá, gặp nhiều chuyện chẳng lành, bệnh tật[20].

Đồng Lạc thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức tỉnh Quảng Nam có người nổi tiếng đánh cọp, hiện người dân lập miếu thờ. Hai bên cọp và người giao chiến từ tờ mờ sáng đến lúc trời tối. Cuối cùng cả hai đều chết vì kiệt sức. Người dân chôn ông này và "ông cọp" ngay tại địa điểm mà hai bên nằm xuống. Từ đó người dân địa phương gọi nơi này là mả Ngài. Về sau người làng lập miếu thờ Tiền Hiền và "ông cọp" ở đầu làng Trà Linh. Cứ đến rằm tháng Giêng hàng năm, người làng lại tổ chức lễ giải mả (cúng giỗ) để cúng Tiền Hiền và "ông cọp". Năm nào cũng vậy, khi cúng, người làng để lại cái đầu heo treo trên thân cây bí bái ở sau miếu. Nếu năm nào cọp leo lên ăn thì người làng làm ăn phát đạt, thuận buồm xuôi gió. Còn năm nào cọp không vào ăn thì người làng thường gặp tai ương, người dân xem "ông cọp" như một vị thần đỡ đần cho dân làng.

Người dân Dùi Chiêng, Quảng Nam không quên nỗi khiếp sợ khi hổ liên tục xuất hiện, gầm gừ, ăn thịt cả người và gia súc mỗi khi chúng bắt gặp. Khu vực hố Ông Bình, hố Dòng Dĩnh là nơi tập trung hổ nhiều nhất. Ngày xưa làng Dùi Chiêng nổi tiếng với sự xuất hiện của hàng loạt con hổ lớn chuyên bắt trâu bò và cả người. Dù kinh hãi nhưng không chịu khuất phục, nhiều người đã đứng lên bắt hổ, giúp an dân, ổn định cuộc sống. Có một người dũng cảm đánh hổ và được lập dinh thờ và họ cũng thờ luôn ông Hổ định đánh bại đó là Dinh thờ "ông Trùm" tại thôn Dùi Chiêng. Thờ cúng dinh "ông Trùm" đã trở thành nét văn hóa và là niềm tự hào của người dân nơi đây.

Quảng Ngãi

Người Việtngười Cor ở Quảng Ngãi đều có chung tín ngưỡng thờ hổ trắng đó là con cọp bạch dưới trướng của Thiên Y A Na và được sắc phong là Bạch Hổ Đại tướng quân hay còn gọi là Trùm cả

Người Co sinh sống ở huyện miền núi Trà Bồng tỉnh Quảng Ngãi vốn chịu ảnh hưởng của tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Giữa người Cor và người Kinh có sự giao thoa văn hóa và họ có chung tín niệm là người dân còn thờ phụng Bạch Hổ, vừa phối thờ tại Điện vừa có miếu thờ riêng. Theo truyền thuyết, đây là một trong những vị tướng của Thiên Y A Na, đã có công lớn trong việc giúp dân diệt trừ mãnh thú ở vùng đất này từ thuở khai sơn lập địa. Công lao của thần Bạch Hổ đã được triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong: "Sơn lâm Chúa xứ Trùm cả Bạch Hổ Đại tướng quân". Sách Đại Nam nhất thống chí cũng đã từng ghi chép về miếu thờ này. Miếu Bạch Hổ nằm chếch về phía Đông Nam Điện Trường Bà, thuộc xóm Gò Xôi, thị trấn Trà Xuân.

Tương truyền đây là một "Ông hổ đi tu", không ăn thịt người. Nhờ có "Ông" mà cả một vùng rừng quế bạt ngàn xưa kia không thấy các loài mãnh thú về quấy phá dân làng. Do vậy, khi "Ông" mất, dân làng đã chôn cất tử tế và lập miếu thờ[21][22]. Trong lễ tế Thiên Y A Na ở Điện Trường Bà được tổ chức vào dịp rằm tháng Tư âm lịch hàng năm, người dân còn tế lễ vị Trùm cả Bạch Hổ này ở bên ngoài chánh điện, đồng thời soạn lễ vật tổ chức tế vọng tại miếu Bạch Hổ ở xóm Gò Xôi, cách Điện Trường Bà không xa. Đây là một tục lệ chứa đựng nhiều lớp giá trị như tâm linh, nhân văn, giáo dục truyền thống. Tục thờ cúng Bạch Hổ còn góp phần nâng cao tính cộng đồng, gắn kết các dân tộc cùng sinh sống cộng cư trên một vùng đất. Việc duy trì hoạt động thờ cúng Bạch Hổ là nhu cầu chính đáng của người dân góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ở đây[21][22].

Kon Tum

Đình Võ Lâm, tỉnh Kon Tum có thờ hình con bạch hổ được chạm khắc ở ngay bình phong vào chính điện thờ, bạch hổ ở đây không chỉ trừ tà mà còn ngăn ngừa được ma rừng theo quan niệm của người bản địa, điều này xuất phát từ câu chuyện một con bạch hổ ba chân, nó vốn hung bạo ở rừng này, đã tấn công và ăn thịt tất cả các loài thú. Khi thiếu mồi, nó còn tấn công cả người. Một khi bạch hổ đã ăn thịt người thì nó càng hung tợn, càng dữ hơn bất cứ loài thú ác nào từ rừng đi vào chùa. Con bạch hổ này đi về chùa để nghe tụng kinh và từ khi về chùa Bác Ái nghe kinh Phật, xung quanh chùa thú dữ tránh đi hết, trong vùng không còn xảy ra các chuyện như người bị hổ vồ, hay thú dữ tấn công vật nuôi của làng Võ Lâm[23].

Phú Yên

Ở Phú Yên con hổ được kính trọng vì dù là loài hung dữ, ăn thịt người nhưng có lòng chung thủy với vợ, có tình thương yêu con cái, và có nghĩa với loài người. Ở vùng Phú Yên còn có câu chuyện về hang hổ, gắn liền với câu chuyện thầy tu đả hổ, trước khi thầy tu này đến, hổ sống rất nhiều ở trong và xung quanh hang, dân sống dưới chân núi luôn khiếp sợ bởi tiếng gầm hú ghê rợn của hổ, nhiều người khi săn bắn thú rừng bị bỏ mạng dưới nanh vuốt của hổ dữ. Dân quanh vùng không ai dám đến gần hang hổ, cho đến khi vị thầy tu xuất hiện làm cho bầy hổ trở nên thân thiện với người dân, khi ông qua đời, dân lập miếu thờ. Khi vị thầy tu mất, thì hổ tái chiếm hang, những bầy hổ bỏ đi nơi xa cũng quay trở lại[24].

Bên con đường thiên lý ở km 1282+700 qua địa phận khu phố Bình Thạnh, phường Xuân Đài, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có di tích được người dân địa phương gọi là miếu Ông Cọp, ngôi miếu này đã tồn tại hơn 400 năm gắn liền với nhiều truyền thuyết. Miếu Ông Cọp nằm khuất trong vườn cây bên vách núi Mỹ Dự, ngôi miếu rất đơn giản nhưng chứa đựng nhiều yếu tố truyền thuyết dân gian và đậm chất nhân văn. Miếu được cư dân địa phương trân trọng ghi nhận là nơi tôn thờ đạo nghĩa, bày tỏ ước vọng hướng tới cuộc sống an lành, hạnh phúc. Không riêng ở Phú Yên mà tại các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Quảng Nam cũng có miếu Ông Cọp, đình Ông Hổ gắn liền với nhiều truyền thuyết [25][26].

Làng Tiên Châu xưa có rất nhiều cọp, làng này có cọp Râu Trắng nên Tiên Châu còn có tên khác là làng Cọp Râu Trắng. Cứ đến mùa tế thần, các bậc trưởng lão trong làng lại cúng vái để gọi thần Cọp Râu Trắng về. Trong các lần tế lễ, đêm đến trên các ngọn cây thường có những tiếng động rì rào cùng nhiều âm thanh réo rắt, đó là tiếng đàn bầu do Cọp Râu Trắng gảy. Cọp vốn là loài hung dữ, ăn thịt người nhưng có lòng chung thủy với vợ, có tình thương yêu con cái, và có nghĩa với loài người. Truyền thuyết ông Cọp Bạch thể hiện niềm tin trong dân gian về một di tích đậm tính nhân văn, nhân bản sẽ được muôn đời sau truyền tụng như một đạo nghĩa ở đời Huyền thoại về Cọp Râu Trắng càng được tô đậm khi tìm được miếu ông Cọp Râu Trắng

Miếu thờ Cọp có ở nhiều nơi trên vùng đất Phú Yên, nhưng tiêu biểu về giá trị văn hóa, thể hiện niềm tin trong dân gian là miếu Ông Cọp. Di tích miếu Ông Cọp ở thị xã Sông Cầu cho thấy vùng đất này xưa có rất nhiều cọp. Miếu Ông Cọp có phần mái được lợp bằng ngói máng úp, bên ngoài là ngói, trong là mái, phần kết dính được làm từ chất liệu vôi, bông gòn và nước mật pha trộn. Vết tích cổ còn lại là gian điện thờ Cọp Bạch và một tượng cọp đã rêu phong, một pho tượng Ông Cọp bằng đá trắng đặt trên tấm bia phía trước miếu, hai Ông Cọp khác được đúc bằng xi măng trên hai trụ bê tông đều trong tư thế dũng mãnh chồm mình vươn lên phía trước[25].

Miếu Ông Cọp gắn với nhiều truyền thuyết, huyền thoại độc đáo từ thời mở cõi, người dân địa phương nhiều thế hệ sau không ngừng mở rộng, cải tạo miếu Ông Cọp để làm nơi tôn thờ đạo nghĩa. Miếu nằm sát chân núi trên khuôn viên đất rộng chừng 250m2, cách Quốc lộ 1 khoảng 100m. Người đi đường còn nhìn thấy một tấm bia vuông vức, trên bia có dòng chữ "Miếu Ông Cọp" nằm trên đỉnh dốc Vườn Xoài. Từ miếu, nhìn về phía tây là núi, phía đông là cửa biển. Khu miếu với vết tích cổ xưa hiện rõ ở gian điện thờ Ông Cọp. Bên tay phải, sát hốc núi còn có một bàn thờ bằng đá xưa, trên tảng đá thờ hai ông Cọp, trong đó có ông Cọp Bạch.

Vùng núi Mỹ Dự còn lưu truyền câu chuyện có nghĩa của ông Cọp Bạch

Núi Mỹ Dự nổi tiếng với nhiều đàn cọp hung dữ, ban đêm thường xuống làng để ăn thịt người, trong đó ông Cọp Bạch là dữ nhất, nó có trên 10 cọp con nhưng nhận thấy chưa ai có thể thay mình cai trị vùng đất lắm cọp beo này nên sinh nở thêm một con nữa nhưng khi mang thai sắp hạ sinh thì do cọp cái đẻ khó nên ông Cọp Bạch phải lao xuống chân núi, chạy thẳng vào xóm Đồng Đò xé toạc vách nứa ngôi nhà nhỏ, vồ lấy bà mụ.

Nhiều người dân nhìn thấy nhưng không dám ngăn cản, mà chỉ biết quỳ lạy, thắp hương van vái xin buông tha, nhưng ông Cọp đưa bà mụ lên núi để đỡ đẻ, sau đó đưa bà mụ xuống núi trở về nhà. Ba đêm sau, ông mang xuống sân nhà bà mụ một con lợn rừng để tạ ơn. Sau khi bà mụ qua đời, mỗi năm, đều thấy dấu chân ông Cọp Bạch viếng mộ và ông xuống nằm dưới chân núi Mỹ Dự với dáng vẻ trầm buồn, ít lâu sau thì chết. Tưởng nhớ ông Cọp Bạch hiền lành, biết quý trọng ân nhân, người dân xóm Đồng Đò lên núi đào đá, xếp thành miếu ông Cọp để tôn thờ[25][26].

Một truyền thuyết khác kể rằng, ngày xưa ở xóm Đồng Đò có vợ chồng lão ngư giàu có, hiếm muộn, có người con giỏi võ, một lần đi qua núi Mỹ Dự, anh bị đàn cọp dữ chặn đường, nhưng đã hạ gục ông Cọp Vằn hung dữ nhất. Hôm sau ông Cọp Bạch rời núi Mỹ Dự xuống xóm Đồng Đò tìm gặp để nhờ dạy võ cho đàn cọp con với lời hứa không bao giờ để đồng loại gây hại dân làng, người thanh niên này cảm khái nhận lời và truyền cho cọp các tuyệt học của mình.

Để bày tỏ lòng cảm ơn, ông Cọp Bạch đưa hai chi trước ra nắm tay anh An, không may móng vuốt cào xước bàn tay nên vài ngày sau vết thương làm nhiễm độc nên đã vô tình cướp mất sinh mệnh anh. Vợ chồng lão ngư đưa người con tài ba nhưng xấu số lên phía chân núi Mỹ Dự để chôn cất và xây mộ. Biết chuyện, ông Cọp Bạch rất ân hận và thầm lặng lẽ xuống nằm gần ngôi mộ nhiều ngày đêm rồi chết. Cũng từ đó dân làng lập miếu Ông Cọp[25][26].

Dịp cuối năm, những người hành hương thường kéo nhau về cúng viếng tại miếu Ông Cọp cầu mong cho công việc làm ăn tấn tới, phước lộc đầy nhà. Vào ngày rằm và đầu tháng, đặc biệt là tiết thanh minh, tiết lập thu, miếu Ông Cọp đón nhận hàng ngàn khách thập phương đến cúng viếng. Sau phần tế lễ, mọi người mang chiếc thuyền được làm từ bẹ chuối thả trôi trên sông Bình Bá để tống tiễn những điều xấu và cầu mong an lành, sức khỏe cho bà con. Miếu Ông Cọp rất linh hiển, đáp ứng đời sống tâm linh, song đây không phải là nơi để những người mê tín dị đoan tìm đến để cầu số đánh đề vì thực trạng có nhiều đối tượng lợi dụng niềm tin này để tổ chức cờ bạc.

Khánh Hòa

Khánh Hòa xưa nhiều cọp "Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận". Bên cạnh những chuyện cọp bắt người (Rumong trong tiếng Raglai nghĩa là "Cọp". "Rumong má un!" là: Cọp bắt heo!"), người săn cọp, người Khánh Hòa còn lưu truyền những giai thoại về sự gần gũi giữa chúa sơn lâm với con người như lời nhắc nhở: cần sống thân thiện với thiên nhiên[27]. Người dân ở tổ dân phố Mỹ Trạch, phương Ninh Hà, thị xã Ninh Hòa thuộc tỉnh Khánh Hòa hằng năm vẫn duy trì lễ cúng tại miếu cọp, cầu mong "ông" cọp che chở dân làng. Tục cúng "ông" cọp được cho là xuất phát từ chuyện xưa kia người trong làng vô tình giết chết những đứa con của "ông", và cảm thấy có lỗi với "ông" cọp.

Khi làng mới thành lập, người dân khai hoang trồng lúa, khi đốt xong đám cỏ lác, nông dân làng Mỹ Trạch đã phát hiện có ba bộ xương cọp con bị cháy. Dân làng tự trách mình đã vô tình giết chết ba chú cọp con. Dân làng Mỹ Trạch cho rằng việc ngộ sát ba chú cọp con đã khiến cọp mẹ nổi giận, liên tục quấy phá, khiến người dân "làm gì hỏng nấy". Dân làng quyết định mở một cuộc họp, bàn cách chuộc tội với "ông" cọp. Cuối cùng, người dân nguyện lập một miếu thờ cọp. Xương cốt của ba chú cọp con được người dân đưa về, cẩn thận cho vào một hộp gỗ nhỏ, đặt trong miếu thờ, ban đầu ngôi miếu thờ cọp được dựng lên ngay khu vực ba chú cọp con bị cháy. Từ khi lập miếu, cọp không còn về làng gầm rú, thoắt ẩn thoắt hiện "hù" người dân nữa.

Trải qua nhiều năm, miếu thờ cọp xuống cấp, người dân đã làm lễ xin dời vào trong làng, thuộc khuôn viên đình Mỹ Trạch. Ngôi miếu nhỏ thờ cọp được xây bằng xi măng, mái ngói, nằm phía bên hông trái đình Mỹ Trạch giờ đã phủ rêu phong. Trước miếu có bình phong với hình tượng cọp mẹ, sơn màu vàng chủ đạo, đang băng qua cảnh núi rừng của làng Mỹ Trạch xưa. Trong miếu vẫn còn lưu hộp gỗ đựng cốt ba chú cọp con, đình Mỹ Trạch được xây dựng vào khoảng thế kỷ 18, hằng năm, cứ đến ngày 18 tháng 3 âm lịch là người dân Mỹ Trạch góp tiền lo lễ vật mang ra cúng tại đình làng, người dân còn làm lễ cúng tại miếu thờ sơn lâm chúa tướng, chính là miếu thờ ba chú cọp con bị ngộ sát năm xưa[28]. 

Vùng núi rừng Khánh Hòa giáp giới các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Phú Yên, có lẽ do địa thế và môi trường thích hợp, cọp ở quá nhiều đã gieo tai họa khủng khiếp và tang tóc cho dân lành hàng bao thế kỷ nên đã thành danh Cọp Khánh Hòa. Tuy vậy, ở chùa Suối Ngổ, tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, xã Vĩnh Phương, Nha Trang (Khánh Hòa) lại có một miếu thờ cọp, với câu chuyện người dân lưu truyền về "ông" cọp ở vùng này xưa kia không những không gây hại mà còn bảo vệ chùa cũng như dân làng. Hồi đó vùng này rậm rạp, nhiều ác thú nhưng người tu hành, khách viếng chùa cũng như dân làng ở đây lại được "ông" cọp bảo vệ. Nếu có ai ăn cắp đồ của chùa thì sẽ bị "ông" cọp chặn đường. Người dân địa phương sợ là do cảm giác mình yếu đuối trước chúa sơn lâm, nhưng trong lòng luôn có niềm tin về các "ông" ở đây hiền lành, chỉ bảo vệ chứ không hại người. Người dân thường gọi "ông" cọp cũng là vì kính trọng[29].

Bình Thuận

Hổ cũng được ghi nhận được tôn sùng trong cư dân ở vùng Bình Thuận. Dinh Thầy Thím, tỉnh Bình Thuận có miếu ông Hổ. Theo truyền thuyết dân gian thì hai mộ phía trước là mộ của Thầy Thím, hai mộ phía sau là mộ đôi Bạch Hổ–Hắc Hổ (vốn được coi là vệ sĩ, đệ tử của Thầy Thím). Chùa núi Tà Cú (người địa phương hay gọi đơn giản là chùa Núi) là một ngôi chùa tọa lạc trên núi Tà Cú ở độ cao hơn 400 m, thuộc thị trấn Thuận Nam, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận có Tháp Tổ nằm trước điện thờ, bên cạnh có mộ con cọp tương truyền là đã được sư Hữu Đức thuần hóa.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tục thờ hổ ở Việt Nam theo tỉnh thành https://web.archive.org/web/20170519222833/http://... https://web.archive.org/web/20171027125638/https:/... https://web.archive.org/web/20180630162000/https:/... https://web.archive.org/web/20170428051912/https:/... https://web.archive.org/web/20180307151226/http://... https://web.archive.org/web/20180307214345/https:/... https://web.archive.org/web/20170428053203/http://... https://web.archive.org/web/20170428054654/http://... https://web.archive.org/web/20170428050942/http://... https://web.archive.org/web/20220115104145/http://...